24 tháng 8, 2020

TẢN MẠN VỀ TỨ TỰ THÀNH NGỮ




Nguyen Phuc Vinh Ba
15 tháng 8





TẢN MẠN VỀ TỨ TỰ THÀNH NGỮ



Tôi có sưu tập thành được 01 cuốn Tứ tự thành ngữ khoảng chừng 12 ngàn cụm từ. Ngày trước, các cụ nhà Nho ta đã sử dụng chúng rất thông thạo. Điều đó cho ta thấy được các cụ đã tiếp thu có chọn lọc cái hay của tiếng Hán. Giờ thì số thành ngữ đó được ít sử dụng hơn nhưng vẫn còn đó, trong văn chương, báo chí hay trên các hoành phi câu đối,..

Với quan điểm là làm giàu cho tiếng Việt và hiểu đúng tiếng Việt, tôi cố công tuyển lục các thành ngữ này. Trong quá trình làm việc này, tôi phát hiện đôi điều thú vị. Xin nói tản mạn với các bạn cho vui.


1. Ta thường dùng thành ngữ “thập tử nhất sinh” với nghĩa là 10 phần chết và chỉ còn 01 phần sống để chỉ một trình trạng bệnh lý nguy kịch, hy vọng sống còn rất mong manh. Tuy nhiên, đã chết 10/10 rồi thì còn đâu 01 phần sống. Vô lẽ lại chia sự vật làm 11 phần lẻ lẻ như thế. Người xưa dùng thành ngữ “cửu tử nhất sinh” các bạn ạ. Nói thế thì hợp lý hơn phải không?

Thế nhưng theo anh Tuấn Công Hoàng thì cả 2 thành ngữ đều được sử dụng, có cùng một nghĩa. Khó thế đó.

2. “Hạnh tai lạc họa 幸 災 樂 禍” là một thành ngữ khác rất thú vị. Nghĩa của nó là vui mừng trước tai họa của người khác. Cách đây khá lâu tôi thấy anh TĐAS có dùng từ này. Thành ngữ này chỉ tâm địa xấu xa của một người vô cùng ích kỷ, có tâm lý quy ngã cực độ. Thay vì xót thương cho tha nhân bị hoạn nạn thì anh ta lại reo mừng sung sướng như thể anh ta được một mối lợi to. Ôi, người đâu mà tệ hại thế nhỉ, thế nhưng không phải là chúng ta đã không từng gặp những người như thế. Miêu tả anh ta có lẽ dùng thành ngữ này rất chuẩn xác.

3. “Manh nhân hạt mã 盲 人 瞎 馬” là người mù cỡi ngựa cũng mù. Thành ngữ này chỉ một tình thế cực kỳ nguy hiểm, tai họa chực chờ ngay trước mắt. Chắc các bạn thừa hiểu tình cảnh này, chẳng cần dài dòng cắt nghĩa thêm. Nếu một nền kinh tế còi cọc, công nợ đầy đầu mà tiêu xài lãng phí, để thất thoát lung tung thì cũng không khác gì tình cảnh trong câu thành ngữ trên.

4. “Lam sơn chướng khí” là một thành ngữ không đúng mà lại bị đôi người dùng. Có lẽ người dùng bị ám ảnh bởi từ Lam Sơn, đất phát tích của Bình Định vương Lê Lợi. “Sơn lam chướng khí 山 嵐 瘴 氣” mới là cụm từ đúng, tức là khí độc và hơi đá bốc ra trong núi rừng. Không hiểu từ Hán Việt nên người dùng sẽ cứ nghĩ là mình đã viết đúng. Thế mới khổ chứ.

5. Thành ngữ “Đọa tắng bất cố 墮 甑 不 顧: Không nhìn cái om đất bị rớt. Không tiếc thương vì chuyện đã rồi, không cứu vãn được.” thì hẳn là bạn ít nghe. Tuy nhiên, các bạn thường nghe nói “xong om rồi” chứ? Tôi nghĩ rằng hai thành ngữ trên e có dây mơ rễ má với nhau.

6. “Tận mục sở thị 盡 目 所 視: Thấy ngay tận mắt, không phải nghe kể lại” thường được dùng là “mục sở thị”. Vâng, mắt để nhìn, tai để nghe nhưng muốn diễn tả cái ý là chính bản thân mình thấy thì nên thêm chữ tận cho rõ nghĩa. Một hai bạn nữa đề xuất cụm từ "Thực mục sở thị". Thật cám ơn các góp ý đó.

Còn nhiều thành ngữ khác nữa, xin hẹn lần sau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

*(Sao chép URL hình ảnh ) Biểu tượng cảm xúc, video youtube, dán vô khung comment không cần dùng thẻ.
*Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh bạn có thể chèn vào comment [' JPG', ' GIF',' PNG',' BMP'].
*Blog NHẬN LINK YOU.TUBE ở phía dưới chữ CHIA SẺ.
*Cảm ơn các bạn đã comment cho bài viết. Chúc các bạn luôn vui và hạnh phúc.

BẢN QUYỀN