28 tháng 12, 2015

“Tiếng Huế” nôm na của một thời

Phủ Văn Lâu   

“Tiếng Huế” nôm na của một thời


Ngày xưa, sách sử chiếu biểu … đều sử dụng tiếng Hán. Lớn lên, đi học là học chữ Hán, đọc Tứ thư Ngũ kinh,… xem Tam Quốc chí, Thủy hử,… và cả sách sử Việt như Đại Việt sử ký toàn thư, Lam sơn thực lục hay Phủ biên tạp lục … đều bằng chữ Hán. Đình chùa, miếu vũ, kể cả nhà xưa khá giả đâu đâu cũng hoành phi đối liễn chữ Hán. Thành thử, lắm người mới sinh ra lòng trọng vọng chữ Hán và chê chữ Nôm ta là nôm na mách qué. Bắt đầu thế kỷ 20, tình hình đã khác. Mọi người bắt đầu “vứt bút lông đi, giắt bút chì”, nhưng dấu tích của lòng trọng vọng đó vẫn còn trong cách đặt tên cho con cháu. Tên nào cũng dùng chữ Hán Việt, hiếm thấy tên Nôm. Nào Tấn Tài, Thanh Bạch, Trung Hiếu,… mà chẳng thấy mây tre, trắng đen, heo gà, bàn ghế, … gì hết.

Nhớ chuyện ngày xưa, cái thời còn trọng vọng chữ Hán đó, có lắm chuyện vui. Lắm người bình dân nghe ba chớp ba nhoáng, không rõ đầu đuôi, nói thuội theo các câu nói chữ Hán đó, biến thành các từ, các câu khác. Có khi các câu mới phát sinh này còn giữ nghĩa cũ, có khi mang một ý nghĩa mới. Có khi chúng có tính nghiêm túc, nhưng phần lớn chúng có tính khôi hài cho vui, để thư giãn. Ai không rõ cội nguồn của chúng không hiểu được, hoặc hiểu sai đi. Nếu sử dụng chúng, đôi khi sai người đó không khéo cứ tưởng là đúng mới khổ. Các cụm từ này đều không chính thống, thường dùng trong văn nói trong lúc vui đùa thôi.

Xin nêu vài ví dụ dẫn chứng những câu “tiếng Huế” nôm na của một thời đó:

1. Cậu ấm sứt vòi. Người Huế thích uống trà. Cái thú uống trà còn kẻm theo cái thú có được các bộ ấm chén quí. Nói như cụ Nguyễn Tuân là “Thứ nhất Thế Đức gan gà/ Thứ nhì Lưu Bội, và thứ ba là Mạnh Thần”. Dẫu không có được ấm quí như thế thì có một bộ ấm kiểu thời Gia Long, Minh Mạng cũng đủ oai rồi. Không may, do bất cẩn, cái âm quí gia truyền bị sứt mẻ một tí ở vòi, chủ nhân phải nhờ mấy ông thợ bạc bịt lại. Cái nghề bịt bạc này chừ đã không còn nữa. Đó là cái ấm sứt vòi, giá trị giảm đi rất nhiều.

Cái ấm quí khiến người ta liên tưởng tới các cậu ấm (ấm tử, con quan được tập ấm theo chức tước của cha) cũng danh giá quí trọng hơn người. Tiếc thay, các cậu ấm đã sa sút kinh tế, đã hư dốn phẩm chất,… Nào cậu ấm đó khác chi cái ấm sứt vòi. Thôi thì dẫu các cậu còn nguyên cái vòi sinh lý, gọi các cậu là cậu ấm sứt vòi để trào phúng vậy..

2. Gáo tra dài cán.
Một người cha khó tánh, thường hay la rầy con cái, nói dông dài, lý lẽ này nọ theo quan niện của bản thân ông ta. Người mẹ thấy rằng làm như thế đôi khi có phản ứng ngược lại, bà ta nói. “Thôi ông ơi, gáo tra dài cán, hắn còn nhỏ, ăn chưa no, lo chưa tới, ông nói nhiều mần chi. Từ từ rồi nó hiểu. Nói quá, cha con không nhìn mặt nhau cho sửa.” Ông chồng bèn trả lời, "Cực chẳng đã thôi. Tui cũng biết gáo tra dài cán, mụ mi ơi!"

Đúng là quá sức khó hiểu. Cha la rầy con cái sao lại đem gáo với cán vào đây. Nguyên bản câu này là “Giáo đa thành oán”. Nó có nghĩa là dạy dỗ nhiều, quá nghiêm khắc gây ra oán giận. Thực tế xã hội cho ta thấy nhiều trường hợp như thế. Cha mẹ hấp tấp, hoặc khác quan niệm, la rầy oan ức con cái khiến con cái bỏ nhà ra đi hay thậm chí tự tử nữa. Dân ta có câu tục ngữ nói về cái thói này là “Chồng nói oan, quan nói ép, cha mẹ có nghiệp nói thừa”. Việc này âu cũng thường trong xã hội gia trưởng ngày trước.


3. Phiêu linh tịnh/ thỉnh độ. Một kẻ ham chơi, thích đi chỗ này chỗ kia., bạn bè muốn tìm gặp rất khó khăn. (Thời ấy hiển nhiên là chưa có điện thoại di động như bây giờ). Hỏi thăm người thân trong nhà thì họ nói, “Hắn phiêu linh tịnh độ phương mô rồi. Biết mô mà gọi”


Đúng ra chỉ nên nói “hắn phiêu linh” thôi là đủ nghĩa. Phiêu linh là trôi dạt, lang thang lạc lối đâu đó. Khổ một nỗi, trong kinh Phật có cụm từ “Siêu sinh tịnh độ” (có nghĩa là sau khi chết, về sống nơi cõi Cực lạc). Thế là dân ta ghép hai cụm từ với nhau để tạo ra một cụm từ mới, ý nói là hắn e chết lấp phương mô rồi. Mới nghe qua cũng hay hay. Thế là người này bắt chước người kia sử dụng. Lâu ngày nó trở thành một cụm tử rất khá thông dụng nói trên.


4. Cô đơn hoàn tán. Một anh bạn buồn phiền chuyện gia đình hay cá nhân, mặt mũi âu sầu ảm đạm, xa lánh bạn bè. Bạn anh ta mới chọ đùa, “Răng mà u sầu, ủ rủ rứa? Ui chao là cô đơn hoàn tán!”


Đây cũng là một sự chắp ghép đầu Ngô mình Sở giữa hai cụm từ “cô đơn” và “cao đơn hoàn tán” do óc khôi hài của dân ta. Dạo còn nhỏ, tôi thường lê la ở các góc phố khi rảnh rỗi để xem các chú Sơn Đông mãi võ múa quyền và quảng cáo bán cao đơn hoàn tán, bốn dạng của thuốc Bắc. Cao là thuốc nấu thành một dạng keo đặc, dẻo và mềm như cao hổ cốt, cao khỉ; đơn là thuốc bán thành thang, về nhà phải sắc nấu; hoàn là loại thuốc đã chế biến thành viên thuốc tể, nhỏ và đen như phân dê và cuối cùng là tán, tức là thuốc dạng xay thành bột.

Hóa ra, thuốc Bắc lại được kết nối với nỗi buồn. Tiếu lâm thật!

5. Xử lý thường kiệt.
Thủ trưởng đi công tác xa một thời gian. Anh thủ phó được cử làm thay. Công việc này được gọi là xử lý thường vụ. Vì có hai từ “lý thường” làm cho ai đó liên tưởng tới anh hùng phá Tống Lý Thường Kiệt. Để châm chọc anh chàng thủ phó “lên lon” làm vì trong một thời gian ngắn bởi vì chỉ được giải quyết mấy cái sự vụ thường thường, có kẻ ác miệng nói, " Cái đồ xử lý thường kiệt mà cũng phách tấu! Được ba bữa nửa tháng là rớt cái đùng cho coi.” .

Thật là hóm hỉnh!

6. Đào hoa bạc mệnh. Đào hoa là một ngôi sao trong tử vi, chỉ những người đán ông được phụ nữ thích. Người đào hoa thường có nhiều bồ bịch nhân tình. Tài hoa là tính từ chỉ những người tài giỏi, xuất sắc hơn nhiều kẻ khác. Ngày trước, như trong truyện Kiều chẳng hạn, cô Kiều tài hoa nên số phận gặp nhiều cay đắng, được gọi là bạc mệnh. Nguyễn Du gọi là tài mệnh tương đố (tài với mệnh ghét nhau) như trong câu thơ, "Tài tình chi lắm cho trời đất ghen". Đó là tài hoa bạc mệnh. Nhiều thi nhân, họa sĩ, văn sĩ giỏi chết trẻ được gán cho cái cụm từ này, ý nói ông trời ghét bỏ họ khiến họ yểu tử.

Còn anh chàng đào hoa thì đôi khi cũng đi đêm có ngày gặp ma, bị vợ túm được, kìm kẹp lại, không cho thoải mái tự do. Châm chích mấy anh chàng này, câu nói được biến thành, "Hi hi, đào hoa thì mệnh bạc. Kêu ca chi!"

Hiện giờ cụm từ “đào hoa bạc mệnh” được dùng khá nhiều với cái nghĩa mới: phụ nữ có nhan sắc mà chết sớm, tức hồng nhan bạc mệnh. Vào Google, ta gặp khá nhiều kết quả.

7. Gỗ mục chấm mắm nêm. Khi một ai đó làm một cái gì không ra hồn, không có hiệu quả, bạn bè thường nói, "Rứa mà cũng gọi là làm. Làm chi cái đồ gỗ mục chấm mắm nêm,"

Nguyên bản của câu này là "Gỗ mục làm nêm". Muốn làm nêm các cái chốt ghế, bàn, giường,... người ta thường sử dụng tre rất già, rất chắc. Có thế chúng mới không bị lỏng và rời ra, bàn ghế mới bền bĩ lâu dài. Gỗ đã mục, đụng vào đã nát thì làm nêm sao được, Đúng là làm cái chuyện cho có làm, không ra tật chi hết. Người Huế có lẽ vì thích ăn mắm nêm nên trong dân gian mới có cái thành ngữ "Gỗ mục chấm mắm nêm" khôi hài nói trên.

8. Tào lao xịt bộp. “Cuốn sách mới nhất của nhà văn Lê Văn Nghĩa trình làng với cái nhan đề Tào lao xịt bộp. Có người khẳng định cuốn sách có chủ đề châm biếm hài hước do cái nhan đề rất “nhí nhố”, người khác lại cho rằng nhan đề sách kiểu như thế cũng chưa chắc là sách vui “

Tra thử Google, người viết tìm được đoạn văn trên. Người Huế xưa nay hay dùng cụm từ này với cái nghĩa là không đâu vào đâu, không chính xác, không ích lợi gì. Ví dụ, “Mày rảnh quá, đi phiêu linh tịnh độ, nói chuyện tào lao xịt bộp. Thật mất thì giờ.”

Theo hiểu biết của người viết, cụm từ tào lao xịt bộp là cách nói trại của cụm từ “tam sao thất bổn”, tức là sao đi chép lại ba lần thành ra 7 bản (khác với nguyên bản). Những chuyện đã sai như thế thì không đáng nói, không đáng bàn, chỉ là những chuyện vớ vẩn.

Cách hiểu này cũng chỉ là một giải thích chủ quan. Mong rằng có bậc cao nhơn chỉ giáo.

Những cụm từ nói trên bây giờ ít người dùng. Ngôn ngữ đã biến chuyển theo thời đại. Bạn Huế nào còn nhớ cụm từ nào, xin đóng góp cho thêm phong phú.

Tháng 3.2013

NGUYỄN PHÚC VĨNH BA

(Trích TẠP BÚT 4- trang 66)

3 nhận xét:

  1. Biết thêm những câu nói nôm na của người Huế,thật thú vị !
    Chúc chị năm mới vạn an !

    Trả lờiXóa
  2. https://i2.wp.com/i63.tinypic.com/24ls8ys.jpg

    Chúc chị năm mới thật an khang hạnh phúc !

    Trả lờiXóa
  3. Sang thăm em TYV được biết thêm nhiều điều hay. Chúc em Năm mới dồi dào sức khỏe và vạn sự như ý em nhé. Thân mến
    https://ngocliennguyen.files.wordpress.com/2015/12/only-you.gif

    Trả lờiXóa

*(Sao chép URL hình ảnh ) Biểu tượng cảm xúc, video youtube, dán vô khung comment không cần dùng thẻ.
*Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh bạn có thể chèn vào comment [' JPG', ' GIF',' PNG',' BMP'].
*Blog NHẬN LINK YOU.TUBE ở phía dưới chữ CHIA SẺ.
*Cảm ơn các bạn đã comment cho bài viết. Chúc các bạn luôn vui và hạnh phúc.

BẢN QUYỀN